Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 1/2016 là 2,14 tỷ USD, giảm 15,1% so với tháng 12-2015 và giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Việt Nam nhập khẩu máy móc thiết bị và phụ tùng chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc với trị giá là 769 triệu USD,giảm 8,3%; tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc 376,7 triệu USD, giảm 18%; Nhật Bản 303,7 triệu USD, giảm 33,3%; Đài Loan 129,5 tỷ USD, giảm 7,9%... so với cùng kỳ năm 2015.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: Trong tháng 1 nhập khẩu là 1,97 tỷ USD tăng 11,7% so với tháng 12-2015 và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong tháng 1-2016, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là gấn 564 triệu USD, tăng 28%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc 439 triệu USD, tăng nhẹ 0,3%; Đài Loan 217 triệu USD, tăng 8,4%... so với tháng 1-2015.
Nhóm hàng nguyên, phụ liệu dệt may, da, giày (gồm bông, vải, xơ sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may, da giày khác) : Trong tháng 1-2016 nhập khẩu đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 7,8% so với tháng 12-2015 và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Trung Quốc với 612 triệu USD, tăng 4,31%; Hàn Quốc 204 triệu USD, giảm 6,7%; Đài Loan 159 triệu USD, giảm 7,9%...so với năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện: Trong tháng 1-2016, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 744,9 triệu USD, tăng 15% so với tháng 12-2015, giảm 19,4% so với tháng 1/2015.
Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là hai thị trường chính cung cấp điện thoại các loại & linh kiện cho Việt Nam trong tháng 1-2016 với trị giá nhập khẩu lần lượt là 506 triệu USD và 201 triệu USD. Tính chung kim ngạch nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm tới 95% nhập khẩu nhóm hàng này.
Sắt thép các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng đầu năm 2016 đạt 1,49 triệu tấn với trị giá đạt 554,6 triệu USD, giảm 16,8% về lượng và giảm 18,2% về trị giá so với tháng 12-2015.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng từ Trung Quốc là 922,6 nghìn tấn, tăng 37,5%, từ Nhật Bản là 231,7 nghìn tấn, tăng 60% và từ Hàn Quốc là 138 nghìn tấn…
Chất dẻo nguyên liệu: Lượng nhập khẩu trong tháng 1/2016 là 331 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 444 triệu USD, giảm 10,7% về lượng và 14,7% về trị giá so với tháng 12-2015.
Trong tháng 1-2016, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu từ các thị trường: Ả rập Xê út đạt hơn 69 nghìn tấn,tăng 49,2%; Hàn Quốc đạt gần 52 nghìn tấn, giảm 10,9%; Đài Loan đạt hơn 45 nghìn tấn tăng 2,8%;… so với tháng đầunăm 2015.
Kim loại thường khác: Trong tháng đầu năm 2016, nhập khẩu mặt hàng này là hơn 151 nghìn tấn với trị giá đạt hơn 356 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và 6,1% về trị giá so với tháng trước đó, tuy nhiên lại cao hơn 81,3% về lượng và 17,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.
Trong tháng này, kim loại thường được nhập khẩu vào Việt nam từ Trung Quốc là 64 nghìn tấn, Hàn Quốc là 26,7 nghìn tấn, Ô x-trây-lia là 16,4 nghìn tấn…
Sản phẩm chất dẻo: Trong tháng sản phẩm từ chất dẻo nhập khẩu là 314,6 triệu USD giảm 6,6% so với tháng 12-2015, nhưng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam nhập khẩu mặt hàng sản phẩm chất dẻo từ Trung Quốc trong tháng này là gần 110 triệu USD, tăng 28,1% so với tháng 1-2015; Hàn Quốc là 89,4 triệu USD, tăng 3,2%; Nhật Bản là 43,6 triệu USD, giảm 12,1%...
Sản phẩm hóa chất: Trong tháng 1-2016, cả nước nhập khẩu hơn 278 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2015 và giảm 8,6% so với tháng 12-2015.
Trong tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập khẩu sản phẩm hóa chất từ Trung Quốc là 69 triệu USD, tăng 15,5%, từ Hàn Quốc là 41 triệu USD tăng 8,9%, từ Đài Loan là 34 triệu USD, giảm 2,3%...
Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng là 789 nghìn tấn, giảm 22,9% so với tháng 12-2015. Tuy nhiên do sự sụt giảm về đơn giá nên trị giá giảm đến 41,5% và đạt 251,6 triệu USD. Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 1-2016 tăng hơn 7,4% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng lại giảm 29,1% về trị giá.
Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng có xuất xứ từ: Singapore với hơn 402 nghìn tấn, tăng 67,3%; Thái Lan 143 nghìn tấn, tăng 30,1%; Malaysia với 92 nghìn tấn, tăng gấp hơn 9 lần mức nhập khẩu tháng 1-2015.