AsemconnectVietnam - Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 2/2016 đạt 931.993 tấn, tăng 18,2% so với tháng 1/2016, với trị giá đạt gần 293,81 triệu USD, tăng 16,8%.
Do sự sụt giảm về đơn giá, nên lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng năm 2016 mặc dù tăng 9,92% về lượng so với cùng kỳ năm 2015, đạt 1,69 triệu tấn, nhưng lại giảm 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015, đạt 535,36 triệu USD.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 2 tháng năm 2016 có xuất xứ từ Singapore đạt gần 835.876 tấn, tăng 53,04%; Thái Lan là 205.763 tấn, tăng 1,95%; Malaysia với 196.459 tấn, tăng 641,72% so với 2 tháng đầu năm 2015.
Trong khi, nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc với 199.927 tấn, giảm 41,32%. Tuy nhiên mức nhập khẩu này vẫn xấp xỉ so với nhập khẩu từ thị trường Thái Lan, Malaysia.
Như vậy, nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN tăng mạnh, điều này được lý giải do việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan khi Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN có hiệu lực.
Từ 1/1/2015, theo Hiệp định Việt Nam đã ký và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 165 thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN là 20%, dầu diesel là 5%. Từ 1/1/2016, thuế nhập khẩu các mặt hàng như dầu diesel, mazut, dầu hoả từ ASEAN giảm về 0%.
ASEAN cũng là thị trường nhập khẩu chính xăng dầu của Việt Nam. Năm 2015 tổng cộng hơn 10 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam chiếm hơn 50% là từ các nước ASEAN trong đó nhập từ Singapore là 3,84 triệu tấn, Thái Lan 2,28 triệu tấn.
Cách tính giá cơ sở xăng dầu trong nước
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế MFN (mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi).
Giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Căn cứ giá cơ sở xăng dầu và mức sử dụng Quỹ BOG (nếu có), các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá (tăng/giảm) theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định nhưng không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố.
Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN. Do vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau). Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.
Để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ Tài chính đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O (xuất xứ hàng hóa) từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,...tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.
Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ về nhập khẩu xăng dầu 2 tháng đầu năm 2016
Thị trường
|
2T/2016
|
2T/2015
|
+/- (%) 2T/2016 so với cùng kỳ
|
Lượng (tấn)
|
Trị giá (USD)
|
Lượng (tấn)
|
Trị giá (USD)
|
Lượng
|
Trị giá
|
Tổng kim ngạch |
1.691.221
|
535.362.506
|
1.538.556
|
786.166.753
|
+9,92
|
-31,90
|
Singapore |
835.876
|
256.797.908
|
546.186
|
273.825.290
|
+53,04
|
-6,22
|
Trung Quốc |
199.927
|
67.921.638
|
340.690
|
183.929.306
|
-41,32
|
-63,07
|
Thái Lan |
205.763
|
63.487.337
|
201.824
|
100.819.762
|
+1,95
|
-37,03
|
Malaysia |
196.459
|
53.034.384
|
26.487
|
13.219.161
|
+641,72
|
+301,19
|
Đài Loan |
130.790
|
48.227.861
|
265.801
|
129.817.616
|
50,79
|
-62,85
|
Hàn Quốc |
120.999
|
45.143.526
|
76.777
|
36.132.245
|
+57,60
|
+24,94
|
Nga |
174
|
549.790
|
16.624
|
11.032.781
|
98,95
|
-95,02
|
Nguồn: Phòng Thông tin kinh tế quốc tế - VITIC