Ớt ngọt là mặt hàng thường xuyên bị EU cảnh bảo về chất lượng.
Tái đi tái lại
Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), mới đây EU đã tăng tần suất kiểm tra mặt hàng thanh long của Việt Nam lên 20%. Đối với một số mặt hàng rau gia vị như rau mùi, ớt ngọt, húng quế, húng bạc hà, cần tây, đậu bắp, tần suất kiểm tra được tăng lên 50%. Nguyên nhân được phía EU đưa ra là do phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép trên sản phẩm. Theo Nafiqad, đơn vị này đã thực hiện điều tra nguyên nhân sản phẩm không đảm bảo an toàn, hướng dẫn DN khắc phục sai lỗi. Đồng thời, Nafiqad cũng đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm, gỡ bỏ phương thức kiểm tra tăng đang áp dụng hiện nay đối với rau quả Việt Nam.
Trên thực tế, việc rau quả, đặc biệt là một số mặt hàng rau gia vị XK vào EU bị cảnh báo, tăng tần suất kiểm tra trong vài năm gần đây diễn ra khá phổ biến, thậm chí đã khiến cơ quan quản lý Nhà nước phải áp dụng phương án tạm dừng XK để chấn chỉnh.
Điển hình như trong năm 2014, xuất phát từ việc tính từ ngày 1-2-2014 đến đầu tháng 10-2014, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu EC đã được các nước thành viên EU thông báo 3 lần liên tiếp về việc 3 chuyến hàng NK từ Việt Nam vào EU bị phát hiện có vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng trên cây húng quế và mướp đắng,
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã phải ra quyết định tạm dừng cấp phép kiểm dịch thực vật đối với một số mặt hàng rau thơm, rau gia vị XK sang EU như húng quế, ớt, cần tây, mướp đắng và mùi tàu đến ngày 1-2-2015. Trước đó, giữa năm 2012, Cục Bảo vệ thực vật cũng từng tạm dừng cấp phép kiểm dịch XK 5 loại rau gia vị kể trên vì lý do tương tự.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đánh giá tình trạng nhiều năm nay, một số mặt hàng rau quả XK vào EU thường xuyên bị cảnh báo về mặt chất lượng, chuyên gia rau quả Đào Thế Anh cho rằng: Đây là điều dễ hiểu bởi EU là thị trường XK lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.
“Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới trình trạng trên là bởi các DN thiếu chủ động, trung thực. Trên thực tế, khi XK sản phẩm sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật hay EU,… sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt như phải chiếu xạ hay khử trùng ... Nếu làm đầy đủ tất cả các yêu cầu đặt ra thì DN sẽ bị đội chi phí, gây tổn thất nên một bộ phận DN có tâm lý lách được bao nhiêu tốt bấy nhiêu”, ông Đào Thế Anh nói.
Tăng cường xử lý sau thu hoạch
Theo một số chuyên gia, mặc dù các loại rau gia vị bị EU cảnh báo nhiều lần trong thời gian qua chiếm kim ngạch XK không lớn trong tổng số kim ngạch XK rau quả nói chung, tuy nhiên nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, lâu dài có thể gây ra những hậu quả khó lường. Đó là làm giảm uy tín, tạo ấn tượng xấu đối với sản phẩm rau quả XK không chỉ ở thị trường EU mà cả các thị trường khác. Như vậy, dễ dãi cũng có nghĩa là tự “chặn cửa” của chính mình.
Ngoài ra, trong câu chuyện này, vài năm qua đi biện pháp xử lý vẫn chỉ là khi bị EU cảnh báo, cơ quan quản lý Nhà nước mới sốt sắng truy tìm nguyên nhân, khắc phục lỗi, đồng thời đề nghị phía “bạn” hỗ trợ trong kiểm soát an toàn thực phẩm thì vẫn chỉ là loay hoay ứng phó.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Muốn hội nhập sâu, để rau quả Việt Nam có thể vươn xa, điều quan trọng nhất chính là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc đảm bảo này không phải chung chung mà cần bắt nguồn từ việc áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất sạch theo yêu cầu của thị trường NK, bán cái thị trường cần chứ không phải là cái chúng ta có.
Liên quan tới vấn đề này, theo ông Đào Thế Anh, muốn đảm bảo sự phát triển bền vững ngành rau quả, thúc đẩy kim ngạch XK, mấu chốt là phải chủ động kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm trước khi XK chứ không phải là chờ đợi phía “bạn” cảnh báo thì phía “ta” mới bắt đầu xử lý. “Đối với các sản phẩm rau quả NK, công tác kiểm soát chất lượng được tiến hành khá chặt chẽ. Tôi cho rằng cũng có thể áp dụng các biện tương tự đối với sản phẩm XK.
Muốn vậy, rau quả phải được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Để đạt được mục tiêu, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa người nông dân, DN lẫn cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó DN đóng vai trò mấu chốt, tiên phong”, ông Đào Thế Anh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đào Thế Anh, trên thực tế, hiện nay sản xuất rau quả áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP đã làm tương đối tốt ở khâu gieo trồng, sản xuất, song công tác xử lý sau thu hoạch chưa ổn. Vì vậy, khi đầu tư sản xuất theo chuỗi, tăng cường đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khâu xử lý sau thu hoạch là điều rất quan trọng. Muốn làm tốt khâu này, chi phí bỏ ra tương đối lớn, riêng bản thân DN khó “gánh” nổi. Do vậy, về lâu dài, DN rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ chính quyền địa phương cả về chủ trương lẫn tài chính.