Tháng 5, XK cả nước ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 4 và tăng 7% so tháng 5-2015, đưa tổng kim ngạch XK 5 tháng lên 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015 (tương đương với tăng 4,187 tỷ USD). Trong khi DN FDI tăng 7,7% thì khối DN trong nước chỉ tăng 3,9%. Nhìn vào những con số trên có thể thấy, XK vẫn đang khá “ì ạch”.
Nếu so với mục tiêu 10% Quốc hội đề ra thì kết quả thực hiện trong 5 tháng qua còn kém xa. Song xét trên bình diện chung, bối cảnh kinh tế thế giới còn chứa đựng những nhân tố bất ổn, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn chỉ ra những điểm tích cực mà XK Việt Nam đã “ghi điểm”.
Trong bức tranh XK 5 tháng đầu năm “nổi lên” vấn đề đáng chú ý là sự tăng trưởng trên 10% của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Theo Bộ trưởng, cùng kỳ năm trước, XK của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm 10% thì thời điểm này XK của nhóm hàng tăng này tăng trưởng ở mức cao, trên 10% là điểm tích cực.
Phân tích sâu hơn, ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, XK nhóm hàng này trong 5 tháng ước đạt 8,9 tỷ USD, chiếm 13,1% trong tổng kim ngạch XK, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2015 (tương đương với tăng 818 triệu USD).
“Tháng 5 bắt đầu vào thời gian chính vụ của một số mặt hàng trong nhóm, do vậy đa số mặt hàng có kim ngạch tăng, rau quả có kim ngạch tăng cao (53,7%), còn các mặt hàng như nhân điều, hạt tiêu, gạo có mức tăng xấp xỉ 9%”, ông Phú dẫn chứng.
Nhóm hàng chiếm tới gần 80% tổng kim ngạch XK chỉ tăng 8,6% đó là công nghiệp chế biến ước đạt 53,9 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, dù tăng trưởng của nhóm này không cao so với cùng kỳ nhưng XK của nhóm vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch XK chung.
Các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến tăng, tập trung vào một số mặt hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm nội thất, kim loại thường, đồ chơi, dụng cụ thể thao, máy móc, thiết bị phụ tùng...
Chưa hết, theo ông Trần Tuấn Anh, khối DN trong nước đã có sự đóng góp không nhỏ vào thành tích XK chung của cả nước khi có sự tăng trưởng gần 4% bởi những năm trước đó, XK phụ thuộc rất lớn vào “sức kéo” của khối DN FDI. Thêm vào đó, trong khi quy mô NK và nhu cầu thị trường XK chính của Việt Nam đều có sự sụt giảm thì XK của Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng cao. Ví dụ như thị trường Hàn Quốc, nhu cầu NK của thị trường này giảm đến 15% song XK của Việt Nam vào Hàn Quốc vẫn tăng 18%. “Điều đó cho thấy sự phát triển tích cực của XK Việt Nam trong 5 tháng qua”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tập trung cho nông sản
Như vậy, kim ngạch XK 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 37,9% kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ giao. Thuận lợi chưa thấy, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn cho XK trong thời gian tới nên người đứng đầu ngành Công Thương cũng tỏ ra lo lắng khi phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ Công Thương, XK những tháng tới còn đối mặt nhiều khó khăn do thời tiết có nhiều bất lợi do tác động của hiện tượng Elnino và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp nước ta. XK được dự báo còn gặp khó khăn do nhu cầu NK thấp, bảo hộ gia tăng tại nhiều thị trường NK và sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa XK của các quốc gia khác. “Để đạt được mức tăng trưởng 10% theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Lo lắng này đã được thể hiện bằng “hành động” khi Bộ Công Thương "thúc" các đơn vị thực hiện các yêu cầu trong Chỉ thị 06/CT-BCT về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh XK trong năm 2016. Đặc biệt, Bộ Công Thương chú trọng tới việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại cho các mặt hàng Việt Nam có lợi thế là nông, thủy sản.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục XNK chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường NK, đặc biệt là các mặt hàng như lúa gạo, nông sản, thủy sản, tình hình sản xuất lúa gạo, nông sản, thủy sản trong nước và diễn biến cung cầu, giá cả thị trường nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ điều hành XK nói chung và gạo, nông sản, thủy sản nói riêng.
Cục XNK còn có nhiệm vụ phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại gạo, nông sản, thủy sản năm 2016 và những năm tiếp theo theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, sát với nhu cầu DN và tiềm năng thị trường.
Bên cạnh đó, các Vụ thị trường ngoài nước chủ trì, phối hợp với Cục XNK và Thương vụ Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ theo dõi tình hình thực hiện các bản ghi nhớ về thương mại gạo, nông sản đã ký với các quốc gia, vùng lãnh thổ; trao đổi, xúc tiến đàm phán việc gia hạn các bản ghi nhớ về thương mại gạo, nông sản sắp hết hiệu lực; tìm kiếm cơ hội ký kết thỏa thuận về thương mại gạo, nông sản với các thị trường mới, thị trường tiềm tăng để thúc đẩy XK.